Những ngày cuối năm, trong cuộc trò chuyện với Báo Lao Động, nhà báo Nguyễn Anh Tú - Phó Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ kiêm Giám đốc Quỹ "Trò nghèo vùng cao" (tiền thân là chương trình Cơm có thịt) - chia sẻ nhiều tâm tư về hành trình hơn 10 năm miệt mài thực hiện “mệnh lệnh từ trái tim”. Hàng trăm ngôi trường và hàng nghìn trẻ em miền núi phía Bắc đã có bữa ăn đầy đủ dưỡng chất, có trường học, giếng nước, chăn màn, quần áo ấm, thuốc chữa bệnh, đồ dùng học tập... Những tấm lòng đã kết nối với nhau và vẫn đang tiếp tục sứ mệnh yêu thương.
Ông Nguyễn Anh Tú - Phó Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ kiêm Giám đốc Quỹ "Trò nghèo vùng cao" chia sẻ tại Lễ khai giảng năm học 2023 - 2024. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Mệnh lệnh từ trái tim
Hơn 10 năm trước, sau chuyến đi của nhà báo Trần Đăng Tuấn lên Suối Giàng (Văn Chấn, Yên Bái) cùng những xúc cảm xúc động, chương trình từ thiện “Cơm có thịt” đã ra đời. Ông có đi cùng chuyến đi đó không, cơ duyên nào đưa ông đến với "Cơm có thịt"?
- Tôi không đi cùng chuyến đi về Suối Giàng năm đó nhưng tôi và anh Trần Đăng Tuấn rất thân nhau. Chúng tôi có nhiều chuyến đi cùng nhau. Sau khi "Cơm có thịt" được khởi xướng, tôi cũng đồng hành trong nhiều hoạt động, các chuyến đi, gọi là đi chơi cùng anh và hỗ trợ được gì thì tôi giúp. Rồi cứ thế mà cuốn đi, càng ngày càng gắn bó với "Cơm có thịt" lúc nào không hay.
Sau đó, tôi nhận được đề nghị làm Giám đốc điều hành công việc hàng ngày của Quỹ "Trò nghèo vùng cao", thú thật tôi không muốn nhận vì không có nhiều thời gian, tôi vẫn đang công tác.
Khi chưa đảm nhiệm giám đốc quỹ, tôi đồng hành cùng nhóm rất nhiều, đi cùng nhau nhiều nhưng xem đó là đi chơi, nhưng khi điều hành lại cả một vấn đề khác. Nhưng khi bắt đầu rồi, gặp những hoàn cảnh khó khăn, tự bản thân cảm thấy phải có trách nhiệm với các em, nhất là với những người đang đồng hành cùng quỹ.
Quỹ “Trò nghèo vùng cao” tiếp nhận nhiều tấm lòng, đôi khi chỉ là 1 hoặc 2, hoặc 5 nghìn đồng quý giá như thế này. Ảnh: Quỹ Trò nghèo vùng cao
Với quỹ, một điều rất đáng trân trọng là không chỉ những người có điều kiện mới ủng hộ, đồng hành cùng quỹ. Có những cô, bác đau ốm, đang nằm viện nhưng vẫn trích một phần tiền thuốc.
Những học sinh miền xuôi bớt đi phần tiền ăn sáng, những em nhỏ dành tặng những con lợn béo là những đồng tiền tiết kiệm... để góp cho học sinh nghèo khó khăn. Và cứ đều đặn như thế những tấm lòng nhân hậu mỗi ngày lại nhiều thêm. Càng đi nhiều, tôi càng gặp nhiều rồi lại cảm động những tấm lòng nhân hậu buộc tôi phải làm, phải có trách nhiệm, phải chi đúng nơi, đúng chỗ, đúng hoàn cảnh thực sự cần để không phụ tấm lòng nhân hậu.
Hẳn đó là “Mệnh lệnh từ trái tim”. Ông có thể kể một kỷ niệm đáng nhớ nhất của mình trong quá trình tham gia các hoạt động của quỹ?
- Người Việt mình vốn có tinh thần tương thân tương ái, “lá lành đùm lá rách”. Có lẽ có một điều gì đó ẩn sâu trong mỗi trái tim người Việt, trái tim sẽ đập mạnh hơn khi nhìn thấy những mảnh đời còn khó khăn và theo như nhà báo Trần Đăng Tuấn đã nói, đó chỉ là “Mệnh lệnh từ trái tim”.
Kỷ niệm thì nhiều lắm, nhất là đối với các em nhỏ. Có một kỷ niệm làm tôi cứ nghĩ mãi, đó là niềm vui và sự mong manh của thầy trò trên miền sơn cước. Vào tháng 12, mùa đông năm 2018, lúc thời tiết rất lạnh, một số vùng núi cao đã có tuyết, nhiều học sinh không có áo rét, quỹ đã phát động phong trào ủng hộ áo ấm cho học sinh miền núi phía Bắc, hàng vạn áo được đặt may khẩn trương, nhiều chuyến xe của các tình nguyện viên đi các hướng để tặng áo ấm giúp các em chống chọi với đợt rét thứ hai đang đến.
Điểm dừng chân cuối cùng của chúng tôi là một xã nghèo của huyện nghèo nhất tỉnh Điện Biên. Cô Hiệu phó Trường tiểu học Xá Nhè, Tủa Chùa mắt rơm rớm kể chuyện: "Chúng em nhận được áo ấm đẹp quá thay đồng phục của trường luôn, cô và trò rất vui anh à! Chúng em ở đây phải cưng học sinh lắm, ngày 20.11 mà nhận được bó hoa lá ngón mà học trò ngắt trên rừng tặng là chúng em vui lắm rồi". Mắt cô ngấn lên niềm vui pha lẫn một nét buồn dịu ngọt. Tôi thoáng rùng mình "lá ngón và hoa lá ngón", mọi thứ trên này mong manh quá!
Nói về những ngày đầu tiên, trong rất nhiều thứ trẻ em cần, tại sao chương trình lại chọn “thịt”?
- Có một lần, lúc đó, tôi vẫn chưa nhận vai trò điều hành quỹ, tôi đi cùng anh Tuấn, chứng kiến 3 học sinh ăn trưa chung nhau một chiếc cặp lồng chỉ có cơm không thôi, bên cạnh là một cốc nước vừa được múc lên từ giếng nước cạnh trường. Đứa trẻ này cầm thìa xúc ăn xong bỏ xuống, đứa kia lại xúc ăn. Hôm đó các em còn lịch sự khi có 1 gói mì tôm khô làm thức ăn. Nhìn rất thương. Nhưng tôi chợt nghĩ suy cho cùng, ý thức mới là quan trọng.
Về bản chất, bọn trẻ vẫn có 1 nghìn để mua kẹo mút hoặc bim bim que để ăn mà lại không có 1 nghìn để mua mì tôm. Mà phải hôm nào sang thì mới có mì tôm ăn cùng. Nhưng bình thường chúng vẫn có 1 nghìn đó để mua bim bim. Đó hoàn toàn là do ý thức từ bố mẹ đến các em học sinh. Đó là một trong những nguyên nhân căn bản để "Cơm có thịt" ra đời và hoạt động.
"Cơm có thịt" có ý nghĩa thực chất là hỗ trợ trẻ tới trường. Ở miền núi có đặc trưng là các thầy cô giáo phải đi đến tận nhà, có khi cách 20 - 30km để vận động học sinh đi học. Lý do có thể là: “Con đi học đi ở trường sẽ có cơm, có thịt”. Đó là cái cớ chính đáng để thầy cô đi vận động những gia đình ở xa nghèo khó chưa đủ điều kiện cho con đến trường vì nhận thức, vì nghèo, vì thiếu lao động trong gia đình...
Rồi có khi trong cùng trường, có trẻ thuộc diện được nhà nước hỗ trợ, có trẻ lại chưa đủ điều kiện được hỗ trợ của nhà nước. Thế nên, vào buổi trưa nếu có điều kiện thì các em mang cơm đi ăn, không có điều kiện thì về nhà ăn, mà đã về nhà ăn thì hiếm khi buổi chiều đi học. Bởi 4 - 5km đường rừng núi không đơn giản, nhất là khi trời nắng nóng, mưa gió.
Do đó, "Cơm có thịt" được xem là mồi nhử thêm để trẻ đến trường để học con chữ, học kiến thức để đón tương lai rộng mở hơn. Nếu để tình trạng sáng học mà chiều không học thì kiến thức các em sẽ bị hổng, rồi một thời gian sẽ chán, bỏ học. Khi đi học chắc chắn tương lai các em sẽ tốt hơn. Còn tất nhiên, khi đã đi học, thì bữa cơm có thức ăn, có thịt lại càng quan trọng vì đó là nguồn dinh dưỡng tất yếu cho trí não và thể chất các em phát triển.
Đã hơn 10 năm kể từ ngày "Cơm có thịt" được khởi xướng, nhìn lại chặng đường, đâu là điều anh và êkip tự hào? Hẳn cũng có không ít khó khăn phải đối mặt?
- Thực chất, nguồn kinh phí chi hàng năm của quỹ không phải quá lớn nếu xét về mặt tài chính. Song chúng tôi có sự đồng hành, sẻ chia của rất nhiều người, đó là điều tự hào nhất. Với cơm có thịt gần như không quảng bá, không nói về mình mà chủ yếu tình nguyện viên tự cảm nhận, đồng hành và gắn bó trên từng chuyến “Đi núi”. Quỹ cũng ít khi kêu gọi, ngoại trừ một vài trường hợp khẩn cấp vì cộng đồng như kêu gọi để mua máy thở ủng hộ các bệnh viện trong dịch COVID-19, hoặc xây trường.
Riêng chương trình cơm có thịt, hiện tại, mỗi tháng, quỹ chi khoảng 1,2 tỉ đồng để lo bữa ăn cho hơn 10 nghìn học sinh tại 105 trường. Mỗi bữa ăn cho trẻ mầm non là 8.000 đồng, trẻ cấp 1 và cấp 2 là 10.000 đồng. Ngoài cơm có thịt, quỹ còn ủng hộ tất cả những gì mà học sinh và nhà trường còn thiếu như khoan giếng, xây trường, làm tủ sách, hỗ trợ chăn áo ấm, đồ dùng học tập...
Những học sinh tại Suối Giàng, nơi khởi nguồn cảm hứng của “Cơm có thịt“. Ảnh: Quỹ Trò nghèo vùng cao
Chúng tôi hỗ trợ cơm có thịt cho các con từ khi vào trường tới khi ra trường. Quỹ kêu gọi “ít thôi nhưng đều đặn” là vì thế. Số tiền đó sẽ phải ổn định để nuôi cơm các cháu, không thể dừng. Nhiều người cứ nghĩ rằng khi nào có nhiều điều kiện mới hỗ trợ, mới ủng hộ, đó là quan điểm sai lầm.
Bạn bè tôi nhiều người còn khó khăn, nhiều anh đã nghỉ hưu nhưng mỗi kỳ lĩnh lương hưu vẫn trích một phần nhỏ ủng hộ các con hàng tháng 50.000 hay 100.000 cũng được 5 hay 10 bữa cơm cho các cháu rồi. Mỗi người chúng ta bớt đi bát phở sáng cũng được 4 đến 5 bữa cơm cho các cháu. Tôi nghĩ đó là niềm vui, niềm hạnh phúc khi chúng ta đã làm được một việc nhỏ nhưng rất có ý nghĩa và ý nghĩa hơn khi việc nhỏ này được thực sự lan tỏa.
Quỹ hoạt động với mô hình điều hành thiện nguyện, từ Hội đồng quản lý quỹ cũng như ban giám đốc đều tranh thủ thời gian rảnh hàng ngày hoặc hết giờ làm để điều hành quản lý quỹ, nên chúng tôi gặp nhiều khó khăn từ các thủ tục pháp lý, từ việc thành lập quỹ, rồi đến thành lập hội đồng quản lý quỹ, kiểm tra, rà soát tất cả các mục chi, chứng từ, kiểm chứng những nơi cần hỗ trợ... và cuối cùng vẫn là việc xoay quanh các vấn đề pháp lý sao cho đúng, đủ.
Nhiều lúc nghĩ cũng nản, nhưng rồi nghĩ đến những niềm tin của các nhà hảo tâm dành cho chúng tôi, những mảnh đời vẫn đang khó khăn nhưng vẫn chia sẻ bát cơm của mình cho các học sinh nghèo vùng cao, rồi câu chuyện về cháu bé miền xuôi đã bớt một phần ăn hàng tháng của mình khi đang nằm viện để giúp các học sinh nghèo vượt khó... nên chúng tôi lại cố.
Khi con sâu làm rầu nồi canh
Hiện ông thấy sự khó khăn của trẻ em vùng cao đã vơi bớt chưa hay vẫn còn đó rất nhiều trẻ, nhiều điểm trường cần giúp đỡ?
- Sự khó khăn đã đỡ hơn trước nhiều, vừa rồi, chúng tôi mở rộng thêm 4 tỉnh ở Tây Nguyên thì thấy khả năng các con đi học đã cao hơn, chính sách chế độ ổn hơn rất nhiều. Không phải tất cả đều do "Cơm có thịt" mà ở chính sách nhà nước đã điều chỉnh và cả ở sự lan tỏa. Khi mình làm, có thể có những người không ủng hộ vào quỹ nhưng họ cảm nhận được và tự làm, ủng hộ trường.
Mong muốn của chúng tôi là sự lan tỏa chứ không phải số lượng học sinh được hỗ trợ. Quỹ đang mong muốn xây dựng bản đồ từ thiện dùng chung cho tất cả cá nhân tổ chức mong muốn được hỗ trợ các học sinh nghèo vùng cao. Trên trang sẽ cập nhật tất cả những nhu cầu mong muốn được hỗ trợ, những lần đã được hỗ trợ, những thứ còn thiếu hoặc còn dư (để chia sẻ cho nơi khác).
Giả sử có nhóm muốn ủng hộ điểm trường A 100 cái chăn, nhưng khi họ tra thông tin thì thấy điểm trường A đã nhận được 100 chăn từ tổ chức khác, họ có thể tìm điểm trường khác để tặng hoặc mua đồ dùng khác mà điểm trường A còn thiếu... Điều quan trọng nhất ở những thông tin cập nhật liên tục này để không bị trùng lặp, nơi thì được quá nhiều giúp đỡ, nơi thì không. Nhưng để có được thông tin đúng, chuẩn thì đội ngũ làm việc này phải đủ, chuyên nghiệp và đôi khi phải đến tận nơi kiểm chứng. Đến nay Quỹ vẫn chưa đủ điều kiện, vật lực cũng như nhân lực hoàn thiện dự án trên.
Là một người vô cùng tâm huyết để cải thiện chất lượng bữa ăn cho trẻ em vùng cao, gần đây tại một số nơi, lại có hiện tượng cắt xét bữa ăn học đường cho học sinh, ông cảm thấy như thế nào?
- Thật buồn và đáng tiếc, nhưng tôi nghĩ đó cũng chỉ là số rất nhỏ. Tất nhiên đừng để số rất nhỏ đó ảnh hưởng đến những thầy cô tâm huyết. Hôm qua, chúng tôi nhận được thông tin ở Tây Nguyên, có một trường mà mỗi thầy cô đóng góp mỗi người 100 nghìn để nuôi các em, tức các em thực sự rất khó khăn cần hỗ trợ nên các thầy cô cảm thông để chia một phần tiền lương vốn đã thấp của mình ra hỗ trợ bữa ăn trưa. Hay như chương trình CCT, số tiền của quỹ chỉ đủ để mua thịt, chứ không chi trả cho cấp dưỡng.
Các thầy cô đã bỏ công sức ra để nấu cơm, bỏ một phần tiền lương của mình để mua cơm thịt cho các con. Những thầy cô như vậy đang hiện hữu tại rất nhiều trường học và đặc biệt là đang ở hầu hết các trường quỹ đang hỗ trợ. Chúng ta đừng để những chuyện buồn ảnh hưởng tới họ.
Vậy với các hoạt động từ thiện, ông đánh giá thế nào về thực trạng hoạt động từ thiện hiện nay?
- Thực tế, các hội nhóm hoạt động thiện nguyện tự phát giờ rất nhiều, đây cũng là điều tất yếu vì đất nước ta còn rất nhiều khó khăn mà những tấm lòng nhân hậu rất nhiều. Nhưng đa số những người ủng hộ không có thời gian để đến tận nơi, không đủ thông tin để hiểu hết hoàn cảnh khó khăn nào cần giúp hơn, nên chỉ dựa vào những thông tin trên mạng xã hội, dựa vào bạn bè đã từng đóng góp ở đâu, dựa vào uy tín của những người đứng đầu hội, nhóm kêu gọi quyên góp, dẫn đến động lực thì rất tốt nhưng thiếu thông tin. Có thể một số người đã gửi gắm sự chia sẻ khó khăn của mình đến những nơi chưa thực sự cần nhất.
Một số hội nhóm không chuyên chưa có kinh nghiệm hoặc ít kinh nghiệm thực tế mà khối lượng công việc rất nhiều, người ủng hộ thì nhiều nhưng người tổ chức thực hiện và làm trực tiếp thì ít nên khi triển khai thực địa có nhiều phát sinh không lường trước dẫn đến lúng túng, xử lý công việc theo cảm tính, không nhất quán, thiếu thống kê, tổng kết và chứng từ quyết toán gây sự nghi ngờ từ nhiều phía.
Trong một xã hội hay một tổ chức sẽ luôn có người tốt, người chưa tốt, vậy nên trong hoạt động thiện nguyện cũng vậy, người có tâm sẽ làm thật và kẻ vô tâm sẽ tận dụng cơ hội để trục lợi về mình.
Muốn trả lời vấn đề này trước tiên nên hiểu thế nào là trục lợi, khi hiểu rõ ở mọi khía cạnh sẽ đánh giá sự trục lợi được đúng nghĩa nhất. Theo tôi vấn đề này hãy để cho các cơ quan chức năng, cộng đồng và cái phần Người của chính những kẻ được gọi là trục lợi tự đánh giá. Vấn đề quan trọng nhất ở đây là không nên để một vài kẻ xấu làm ảnh hưởng đến những điều tốt đẹp mà những người làm thiện nguyện đem lại cho cộng đồng.
Cảm ơn ông đã chia sẻ!