Bài viết trích trực tiếp từ bài viết trên Trang cá nhân của Bác Trần Đăng Tuấn - Chủ tịch Quỹ Cơm Có Thịt
Ảnh 1: Tôi vừa mới chụp hai hôm trước thôi. Một cô bé đứng trong sân trường đầy sương của Pa Cheo, phía dưới là con đường trong bản. 12 năm trước con đường ấy nhỏ hẹp và khấp khểnh, lầy lội khi mưa. Giờ đây nó giống con đường ở thành phố. Thế còn cô bé?Những ảnh sau thì kể về 12 năm đã qua của cô bé ấy.
Ảnh 2, 3: Năm 2012 cô giáo dạy tiếng Nhật Đỗ Hương Giang trong nhóm Giỏ Thị cho Trẻ Vùng Cao đến bản Pờ Sì Ngài. Ở lớp tiểu học nhưng lại có bé hai tuổi tranh xếp đầu hàng. Chuyện thường có trên vùng cao: Đứa bé ở nhà không có ai chăm, thậm chí không có gì ăn, thì theo anh chị đến lớp. Anh chị được ăn gì, em ăn chung.
Bé rất ngộ nghĩnh, khóc mếu máo thì càng ngộ. Theo ngay cô Giang. Lúc đó cô giáo Giang cũng không biết là một lần bế bé lên tay, cô cùng bạn bè sẽ chẳng bao giờ thôi nhớ, nghĩ và mong đến với bé, dù Hà Nội lên Pa Cheo là chặng đường rất xa.
Các ảnh tiếp sau: Cô Giang và Giỏ Thị từ ấy coi bé Sinh là đứa con nơi xa. Bé thiếu cả cha và cả mẹ. Vì thế các thày cô giáo trên Pa Cheo và các "mẹ" ở Hà Nội càng thương. Nhóm Giỏ Thị đưa Sinh vào danh sách "Nuôi cây dài ngày", để đi theo em khi học cấp 2, cấp 3, và cả học sau phổ thông để có nghề có nghiệp.
Mỗi lần lên, mẹ Giang đều bế Sinh. Bé lớn lên khoẻ như gốc măng rừng, mẹ Giang và các mẹ không bế nổi nữa lâu nay rồi.
Năm 2012, cô Giang đi lên núi, xa cô con gái nhỏ tầm tuổi trứng gà trứng vịt với Sinh, trước đó chắc chưa rời mẹ đến mấy ngày. Ai làm Cơm Có Thịt đều nhớ bài viết của cô Giang:" Tạm biệt con gái yêu, mẹ đi theo Cơm Có Thịt". Giờ đây con gái của cô Giang mỗi tháng dành góp 500 ngàn cho đứa em ở Pa Cheo. Và mới đây, khoe với mẹ rằng bạn cùng học lớp của con cũng góp 500 ngàn nữa.
Ảnh cuối: Là ảnh cách đây cũng đã gần hai năm, tại đầu bản Pờ Sì Ngài, khi bé Sinh chào tôi để đi tiếp về nhà ở sườn núi bên kia. Trông thì thấy nhà nhưng đi thì chắc phải hàng tiếng leo núi nữa. Khi đó tôi theo các thành viên Giỏ Thị lên mừng Lý Thị Xúa ( tôi kể trong stt trước) về làm cô giáo ngay trường Sinh học. Hầu Thị Sinh, đứa con gái hồn nhiên của các mẹ Giỏ Thị, sẽ đi học cấp 3, rồi sẽ như chị Xúa, đi học tiếp. Với các mẹ Giỏ Thị, việc này là đương nhiên.Xúa là quả mùa trước của "Nuôi cây dài ngày". Sinh sẽ là quả mùa sau.