NHẬT KÝ LÊN BẢN LÒM (TIẾP THEO)

12 tháng 12, 2016 bởi
NHẬT KÝ LÊN BẢN LÒM (TIẾP THEO)
Ngô Phương Anh
| Chưa có bình luận


Một cái chòi nhỏ hơn. Trong chòi người mẹ trẻ bế đứa con mới đẻ. Thì ra đây là chỗ người vợ ra ở riêng để đẻ trong đó, không được sống chung ở nhà trên. Chỉ khi sinh được một vài tháng mới được trở lại sống chung như trước.


(5)

Nếu những gì nhìn thấy ở mỗi cái chòi cho ta cảm giác lạc vào cuộc sống gần như thời nguyên thuỷ, thì vào gần trung tâm bản, vẫn có những cái của thời nay. Có tới 4 cái quán bán các nhu yếu phẩm ; gạo, dầu, đường, muối...Và có hai quán có cả xe ô tô, chắc để chở hàng lên ( Vào thời điểm này thì ô tô nằm yên do đường đã hỏng). Và tôi kinh ngạc thấy có cả cái tiệm... làm đẹp ( Tìm hiểu kỹ thì biết cũng...sập tiệm rồi. Khâm phục tinh thần tìm đất kinh doanh của ai đó). Tất cả các quán đều là người Kinh bên dưới lên làm ăn. Câu chuyện với chủ quán khiến tôi biết nhiều điều, và từ những điều ấy hiểu ra tại sao đầu tư và hỗ trợ rót đến chốn này không ít, nhưng thay đổi thì chưa thấy đâu.


Ai mua hàng?


- Dân ở đây mua


Vậy là họ vẫn có tiền?


- Có lúc có đấy


Họ có mua chịu không?


- Họ mua nợ là chính chú ạ


Thế bao giờ họ trả, tiền đâu để họ trả?


- Cháu chỉ cho nợ những nhà cháu biết sẽ có tiền, còn nhà không có tiền cháu không bán.


Nhà nào có tiền? - Những nhà có nhiều con đi học, có tiền nhà nước hỗ trợ, mỗi năm mỗi đứa được có khi mấy triệu chú ạ. Khi họ được lĩnh, họ mang ra trả.

Một bản có hơn 60 hộ, trên 300 nhân khẩu, mà đường nhựa, bê tông chạy mấy chục km đến đây (Cho dù có lúc hỏng như bây giờ, nhưng rồi phải chữa lại thôi). Mỗi đứa trẻ tuổi đi Mầm Non trở lên là có hỗ trợ của Nhà nước. Tiền ấy bố mẹ chúng lĩnh. 15 kg gạo nữa suốt 9 tháng đi học. Nếu một nhà có 5 đứa con, là khách hàng VIP của quán rồi. Nếu có chục đứa con, là khách hàng Kim Cương của quán.


Tôi đã ngồi lâu và nghĩ về chuyện này. Chỉ những ai không đi nhiều vùng cao mới hay nói Nhà nước không đầu tư. Không phải thế.


Nhưng phải đi nhiều để hiểu tại sao có chỗ đầu tư nhiều, hỗ trợ rất nhiều, mà cảnh sống của dân vẫn khiến ta tưởng như lạc vào thế kỷ nào xa lắc. Những gì tôi nghĩ (chưa chắc đã đúng), tôi sẽ viết tiếp trong các stt sau.

(6)

Bản Lòm có hai ngôi nhà xây: Dãy nhà lớp Tiểu học và một nhà vệ sinh công cộng.


Còn điểm trường Mầm Non, nơi nuôi dạy 60 đứa trẻ, vẫn là nhà tạm. Chúng tôi ngồi trong lớp quây và lợp bằng tôn (những tấm tôn thường làm hàng rào quây ở công trường), thấy nóng hầm hập dù là đang mùa thu. Một lớp khác tường quây ván và nền đất. Mấy cái ghế gỗ tự đóng, ngoài ra không còn gì khác. Nhà của 4 cô giáo trẻ cũng là nhà tạm. Một người trong nhóm mạnh dạn hỏi: Các cô tắm ở đâu và...vệ sinh ở đâu?. Các cô chỉ xuống suối và chỉ ra cái nhà vệ sinh công cộng xây khá cầu kỳ (chắc một dự án nào đó) giữa trung tâm bản.


Trẻ con nếu không ngồi thu lu trong các chòi thì làm hai việc: Tắm dưới suối và nghịch ngợm trên bờ. Bản không có điện. Dĩ nhiên chẳng có Tivi.


Chúng ta hãy làm ở đó sân bóng, chở lên sách, tivi, nhiều đồ cho trẻ em, từ bàn ghế đến đồ chơi. Vài máy tính bảng chạy bằng pin mặt trời. Có những bộ thiết bị nghe nhìn. Chắc chắn trẻ em trên đó sẽ rất nhanh ham thích những cái mới lạ này.


Để làm gì? Để ở Bản Lòm mọi người, trước hết là trẻ em, biết rằng còn có một cuộc sống khác nữa, cách sống khác nữa. Để có thể thấy có một không gian sống khác với không gian sống trong mỗi cái chòi. Để ở Bản Lòm lờ đờ ngái ngủ có một bán đảo sống khác sinh động và hấp dẫn hơn.


Rồi tiếp nữa sao cho thường xuyên có những nhóm lên đây, nhóm hướng dẫn về kiến thức, nhóm hướng dẫn kỹ năng, kể cả trồng ngô hay trồng cái gì đó theo cách tốt hơn cách bố mẹ chúng trồng. Nuôi cá, nuôi gà theo cách bố mẹ chúng không làm bao giờ. Hay phát hiện ra chúng có những năng khiếu nào. Có thể chúng ta bất lực không thể tác động đến bố mẹ chúng - việc này để hệ thống chính quyền, khuyến nông...làm. Nhưng chúng ta bằng nhiều cách tác động vào những đứa trẻ.


Tất nhiên, để dân Bản Lòm tự mình lo được cho mình, thì còn bao việc khác. Nhưng Cơm Có Thịt chỉ góp sức vào một việc thôi: Sự học cho trẻ con. Không chỉ là học chữ. Mà học cách nhìn nhận rằng có thể có một cuộc sống khác.


Bạn có thể nghĩ: Như vậy thì lâu lắm mới có đổi thay? - Xin chia sẻ với bạn điều này: Không có cách đi tắt nào để có đổi thay thực sự đâu. Và có một bí mật giản dị: Đứa trẻ lớn lên không lâu lắm đâu.


Những đứa bé Bản Lòm, lạ lùng thay, đều có khuôn mặt rất lanh lợi, thông minh. Dù đa số chúng đang rất nhút nhát. Nếu yêu chúng, hãy đồng hành cùng chúng tôi trong những việc làm sắp tới ở Bản Lòm.


(Nguồn: FB Trần Đăng Tuấn)

Đăng nhập để viết bình luận