Còn học sinh và giáo viên thì niềm vui của họ khó mà tả hết. Một cô giáo của trường nói: "Giờ có trường mới đẹp và tiện nghi thế này, giáo viên chúng tôi còn mong cho trời chóng sáng để đến ngắm trường nữa là các em!".
Bông hoa giữa núi rừng
Lần đầu tôi gặp kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào là vào năm 2015, để nhờ anh thiết kế để xây dựng trường học ở Lũng Luông. Khi đó đã có nhà tài trợ để xây trường, Quỹ của chúng tôi đảm nhiệm việc thực hiện.Trường tiểu học Lũng Luông thực ra vốn là điểm trường Lũng Luông của Tiểu học cơ sở Thượng Nung. Điểm xa nhất, trên đỉnh núi. Vì tách trường, nên điểm trường thành trường chính. Đó là vài căn nhà gỗ, có căn còn chắc chắn, có căn thì xập xệ, và đều hơ hoác, mùa đông ngồi trong lớp rất lạnh.
Anh Hào cùng chúng tôi lên khảo sát địa điểm. Hồi đó đường lên Lũng Luông khá gian truân. Phải vượt qua hai con suối mới đến chân đèo. Nếu mưa, suối chảy xiết, thì xe ô tô cũng không qua nổi. Nếu qua suối được, thì còn gần chục km đường núi hẹp, quanh co, khi mưa đá thường lở xuống, chỗ nào không có đá thì đường trông như suối bùn từ cao chảy xuống. Chỉ có cách leo bộ. Hôm đó, không mưa, nhưng xe của chúng tôi, một chiếc suv hãng ford, vẫn chết ngắc chỗ dốc. Đành phải đợi xe tải từ trên xuống đón lên. Lên thực địa quay về, anh Hào nói: Trời, địa điểm đẹp quá! Quá là đẹp! Tôi thích làm trường này lắm!
Thực ra, tôi hơi ngạc nhiên. Lên đến đỉnh núi, có một chỗ ngoặt, và vừa qua chỗ ngoặt đó sẽ thấy điểm trường đột ngột hiện ra. Những cái nhà gỗ tạm bợ bơ vơ trên đỉnh một đồi vắng. Cảnh tượng điểm trường đó chỉ thấy vẻ xác xơ, sao có thể là đẹp!
Sau rồi khi vào việc, tôi mới hiểu cái nhìn của một kiến trúc sư. Anh Hào nói: Một vị trí như thế này, quả thật lý tưởng cho một ngôi trường đẹp. Ở thành phố, ở đồng bằng lấy đâu ra một vị trí làm trường như thế.
Chỉ ít ngày sau, anh đã gọi tôi đến văn phòng công ty kiến trúc của anh, một công ty có cái tên không giống ai: Công ty kiến trúc 1+1>2. Khi nhìn các hình ảnh thiết kế 3D của trường Lũng Luông tương lai, thật sự tôi ngẩn người. Thứ nhất, vì nó giống như là…khu resort! Và thứ hai – nó thật là đẹp, đẹp một cách giản dị mà độc đáo!
Xây dựng trường Lũng Luông không dễ và không nhanh được. Bởi thay vì chỏ gạch lên thì mang máy ép riêng của công ty lên. Đất cào ra ngay từ đồi, nghiền và sàng, trộn phụ gia, ép thành các viên gạch nguyên màu tự nhiên của đất. Phải thí nghiệm nhiều lần để có công thức trộn tốt nhất. Ép xong rồi phải phơi nhiều ngày cho cứng lại. Chọn nhiều thân tre đều nhau để làm trần. Đến giai đoạn làm mái, anh Hào vận động nhà sản xuất tôn lợp ủng hộ tôn nhiều màu. Ngày khánh thành bàn giao trường, chúng tôi trèo lên đỉnh núi cao hơn nhìn xuống. Lúc đó mới thấy trường như một bông hoa. Và cũng là trùng hợp lạ kỳ - Ai đó thốt lên là trường có hình chữ S, và có dãy nhà giống như quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa nữa!. Anh Hào nói: Khi thiết kế thì không có dự tính này, nhưng bỗng nhiên thành như vậy!
Thời gian sau, có rất nhiều đoàn khách vượt đường núi lên Lũng Luông, chỉ để…nhìn thấy ngôi trường đẹp. Còn học sinh và giáo viên thì niềm vui của họ khó mà tả hết. Một cô giáo của trường nói: “Giờ có trường mới đẹp và tiện nghi thế này, giáo viên chúng tôi còn mong cho trời chóng sáng để đến ngắm trường nữa là các em!”
Sau Lũng Luông, công ty kiến trúc của anh Hào thành nhà thiết kế chính cho các điểm trường mà Quỹ của chúng tôi xây dựng trên vùng cao. Chúng tôi đồng nhất với nhau ở một suy nghĩ: Như anh Hào nói, xây trường ở vùng cao mà xây giống như dưới xuôi thì…rất phí. Cảnh sắc, địa thế vùng cao rất đẹp, và các điểm trường vùng cao, một khi đã làm để sử dụng lâu dài, thì cần phải làm sao cho tận dụng được hết vẻ đẹp thiên nhiên trời cho của núi non.
Sự thấu hiểu
Trường Lũng Luông – một trường nơi hẻo lánh vùng cao Việt Nam, nằm trong số các thiết kế công trình vùng cao của kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào đã được trao giải thưởng kiến trúc Quốc tế Vassilis Sgoutas của UIA. Như lời ông chủ tịch Hội kiến trúc sư Việt Nam, thì đó là giải thưởng quốc tế lớn nhất về kiến trúc mà một kiến trúc sư Việt Nam được trao.
Một kiến trúc sư tài năng. Nhưng tôi nói thế thì cũng là nói lại điều mọi người vẫn nói thôi. Những mái trường anh Hào thiết kế khiến tôi nghĩ nhiều về một khía cạnh của tài năng.
Mấy năm trước, chúng tôi lên Tây Nguyên. Có hai buôn làng thuộc xã Ea Đăc ở Đăklak, người Mông từ Tây Bắc vào sinh sống. Con của họ học tại trung tâm xã cách đó chục km. Bọn trẻ ở trọ hoặc ở những mái nhà làm để tái định cư dân nhưng việc vận động tái định cư đó không thành. Cứ vài ba đứa bé tý một bếp nấu ăn chung. Nhìn các em thật thương. Quỹ chúng tôi kêu gọi ủng hộ để xây ký túc xá cho các em. Chỉ ít ngày mọi người đã ủng hộ đủ tiền. Cũng đã có một thiết kế cho ký túc xá, theo phong cách nhà sàn Tây Nguyên. Một mẫu thiết kế khá tốt. Nhưng tôi vẫn thấy có gì đó còn lấn cấn. Lại nhờ cậy đến anh Hào.
Ít ngày sau, nhận được bản vẽ anh gửi. Hai cánh cung phòng ở - một cho nam, một cho nữ, được nối bằng nhà ăn và phòng người quản lý. Những khoảng đất để trồng hoa ngăn cách….Tôi nhắn anh Hào: Mẫu thiết kế này tạo nên sự ấm cúng! Anh Hào nói: Chính là tôi muốn làm như thế. Có một thứ trong bản vẽ tôi không hiểu, và thấy lạ, đó là các cửa sổ. Nhiều cửa sổ nhỏ, cao thấp khác nhau, cứ như cửa sổ của tàu thủy du lịch vậy. Sau mới hiểu: Người thiết kế làm như vậy để khi nằm giường tầng, em trên, em dưới đều có cửa sổ của riêng mình.
Vì khi đó có 115 em học sinh tiểu học ở bơ vơ thiếu hơi ấm gia đình, nên Ký túc xá ấy chúng tôi đặt tên là Ký túc xá 115. Nhưng khánh thành rồi, thì giờ tên đó cũng không chính xác nữa. Có đến gần 200 em đăng ký vào ở. Các em có bếp ăn chung, có nơi quây quần với nhau. Một cuộc sống khác.
Và tôi nghĩ mãi về điều này, về cái ý tưởng “ấm cúng”. Chúng tôi vào Ea Dăk nhiều lần, nhìn thấy các em, có cảm giác chúng thiếu một hơi ấm. Một kiến trúc sư Hà Nội, ở xa như thế, mà khi nghe kể về công trình cần có cho 115 em nhỏ, chưa vào đến nơi nhưng đã vẽ mẫu nhà để tạo ra “ấm cúng”. Anh hiểu những đứa trẻ anh chưa từng gặp, hiểu cái các em cần khi xa bố mẹ, xa ngôi nhà nơi xa của mình. Anh hiểu cảm giác bơ vơ của các em. Và cái anh xuất phát để vẽ mẫu nhà là làm sao tặng cho các em cảm giác ấm cúng.
Sự thấu hiểu - đó là tài năng! Tài năng thực sự mới có thể làm việc theo cách ấy!