Nhưng những cái khó ấy đêm nay được gác sang một bên. Bà con, từ chiều đã từ trên các ngả từ đỉnh Chiêu Lầu Thi đổ về điểm trường chính theo tiếng kèn Triệu Chòi Hín, nghệ nhân người Dao của bản. Bữa nay có văn nghệ. Có lễ trung thu. Cái thứ là có lẽ còn thiếu hơn cả đói nghèo.
Lên tới Hồ Thầu, đã xế chiều, việc đầu tiên của GS Ngô Bảo Châu là khoác lên người chiếc áo tình nguyện viên Chương trình Cơm Có thịt. Câu đầu tiên của ông với học sinh các dân tộc Hồ Thầu là một lời giới thiệu giản dị: Chào các cháu. Chú là Ngô Bảo Châu, là một thầy giáo dạy toán.
Hình như sự giản dị của nhà toán học tài ba đã xóa nhòa mọi khoảng cách, đã làm gần gũi hơn rất nhiều với những đứa trò nghèo vùng cao vốn quen nhiều hơn với sự dụt dè. Rất nhiều cánh tay sau đó đã giơ cao khi GS Châu ra một đề toán đố, đại loại: Chú bộ đội leo núi với tốc độ 5km/h. Quãng đường dài 10km. Hỏi chú bộ đội leo hết mấy giờ.
Trong khi ấy, cô con gái lớn Ngô Thanh Hiên của giáo sư lên sân khấu làm chị Thỏ Ngọc. Cô thứ hai Ngô Hiền An cùng lắc lư với các bạn học sinh miền núi theo điệu nhảy Chicken Dance. Còn cô nhỏ Ngô Thanh Nguyên cùng mẹ trao tặng món quà tự làm là những bông hoa giấy.
Như thông lệ, Chương trình xã hội từ thiện Cơm Có thịt năm nay tổ chức trung thu cho học sinh vùng cao ở Hồ Thầu.
Rất nhiều món ăn ngon. Rất nhiều bánh trung thu. Rất nhiều áo ấm. Rất nhiều đồ chơi, quà tặng. Rất nhiều nụ cười. Và có lẽ cả rất nhiều xúc động nữa khi nghe lời chia sẻ của một chị Phíng nào đó: “Con mình không ăn được cơm nếp (bị ốm) nhưng hôm nay có trung thu, nó đòi mình gùi xuống núi”.
Hình như, trung thu vùng cao không chỉ có ý nghĩa với lũ trò nhỏ vùng cao.
Nhà báo Trần Đăng Tuấn, người khởi xướng Chương trình Cơm Có thịt sau đó là kể lại câu chuyện giản dị về hộp gà rán: Bữa ăn tối cho các em đựng trong các hộp xốp. Chúng nó rất ngoan, ăn xong đậy hộp lại, giữ trong tay. Vào phần vui Trung Thu, các tình nguyện viên thu gom hộp lại để cho gọn.
Một bạn nói: "Có đứa nó không ăn hết, để lại gà rán trong hộp đấy, em có hỏi nó bảo mang về cho mẹ". Quả thật có một số hộp còn nửa phần thịt gà, có hộp còn một mẩu nhỏ thôi, nhưng rõ ràng không phải là vì không ăn hết. Tình nguyện viên bê cái đống vỏ hộp ngẩn người, mắt rưng rưng.
iệu có bao giờ chúng ta hiểu hết trẻ con?
Hình ảnh cuối cùng mà có lẽ không một tình nguyện viên nào có thể quên là ánh sáng lấp lánh của những chiếc đèn ông sao trên những con đường núi heo hút. Đường về còn xa, nhưng bà con bảo không sao, vui mà, xa thế chứ xa nữa vẫn cứ đi.Và hỏi lại rằng: Sang năm liệu có còn trung thu?!
Bài viết đăng trên Báo Lao động ngày 8/9/2014 của Nhà báo Đào Tuấn.